Nhận xét Louis_Nicolas_Davout

Davout là một trong những thống chế tuyệt đối trung thành với Napoléon và cũng được coi là một trong những tướng lĩnh có khả năng nhất của vị hoàng đế. Napoléon đã nhận xét về Davout như sau: "Ta tin rằng Davout yêu quý ta, nhưng thực ra ông ấy chỉ yêu quý đất nước Pháp" ("je croyais qu’il m’aimait, mais il n’aimait que la France"). Hoàng đế cũng khen ngợi ông có hai phẩm chất tuyệt hảo nhất của một chiến binh: lòng kiên cường và qua cảm. Không những thế, ông còn là một người hết sức am hiểu và lý luận tốt về binh thư, chịu ảnh hưởng bởi danh tướng Pháp Jean Charles, Chevalier Folard, cũng như các vua Gustav II AdolfKarl XII nước Thụy Điển.[2]

Davout được coi là một vị tướng có kỉ luật thép, luôn yêu cầu binh sĩ dưới quyền tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh do ông đưa ra, vì vậy Quân đoàn III, và sau đó là Quân đoàn I do Davout chỉ huy luôn thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường với độ tin cậy và chính xác vượt trội so với các đơn vị khác của Đại quân (La Grande Armée). Ví dụ điển hình là việc Davout cấm tuyệt đối binh sĩ cướp bóc các làng mạc của đối phương, thậm chí xử tử hình những người vi phạm. Không chỉ là vị chỉ huy cứng rắn và khắt khe với binh sĩ, ngay cả với các tướng lĩnh đồng ngũ, Davout cũng có vẻ lạnh lùng và xa cách với các thống chế khác, vì vậy tuy rất được kính trọng vì tài năng, ông lại không phải là vị tướng được nhiều người yêu quý. Ngay trong hàng ngũ các thống chế cũng có nhiều người mâu thuẫn với Davout, có thể kể tới Bernadotte, Murat (người đã va chạm nhiều lần với Davout trong cuộc tấn công nước Nga năm 1812), hay Nam tước Thiebault (người chỉ trích Davout dữ dội trong cuốn hồi ký của mình). Những vị tướng có quan hệ tốt với Davout khá ít ỏi, đó là thống chế Ney, Nicolas Charles OudinotLaurent Gouvion Saint-Cyr.